Trang thông tin điện tử phường Quỳnh DịPhường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An
Câu chuyện về cây thuốc lào ở Quỳnh Dị
Thứ hai - 21/01/2019 15:32
Điếu thuốc lào nâng cao sỹ diện, đó là câu nói cửa miệng của người dân phường Quỳnh Dị. Bởi họ luôn tự hào chính họ đang lưu giữ một nét đẹp truyền thống cổ xưa. Theo sử sách ghi lại, thời xưa thuốc lào của một làng có tên An Tự Hạ còn được dùng để tiến Vua và được ghi vào sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi.
Cây thuốc lào gắn với người dân Quỳnh Dị tự bao đời nay và cứ thế theo con đường truyền miệng của Nhân dân thuốc lào Quỳnh Dị trở nên nổi tiếng và có thương hiệu, xa đâu không biết nhưng trên địa bàn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu và các huyện, thị khác trên địa bàn Nghệ An đều biết về thương hiệu thuốc lào Quỳnh Dị.
Hàng năm cứ vào dịp tháng 10 âm lịch cánh đồng quê lại bạt ngàn một màu xanh thuốc lào, nhà trồng nhiều có tới 9 sào, ít cũng 1 sào. Nay, màu xanh ấy vẫn còn nhưng thưa thớt hơn, âu cũng do giá cả cây thuốc lào xuống thấp, thương lái ít thu mua. Nhưng cũng không vì lí do đó mà bà con Nhân dân từ bỏ đam mê trồng cây thuốc lào. Người dân quê tôi vẫn đang sản xuất cây trồng này với số diện tích ít hơn nhưng họ chưa bao giờ hết hi vọng một ngày nào đó giá thuốc lào thương phẩm sẽ lên cao.
Qua bao đời sản xuất, bà con nông dân Quỳnh Dị đã đúc kết kinh nghiệm trồng cây thuốc lào có hiệu quả. Theo bà con, để lá thuốc lào to, dày, đạt chuẩn thì mỗi cây chỉ nên để 9 đến 10 lá. Khi trồng, phải bón phân cân đối, đề phòng sâu bệnh, nhất là bệnh nấm. Sau 4 tháng trồng, khi lá cây thuốc lào rủ cong xuống và ngả màu vàng là đến lúc thuốc chín. Thông thường, bà con hái thuốc vào buổi chiều. Sáng hôm sau, thuốc được thái thành sợi nhỏ và đem phơi khô. Trước khi thái, lá thuốc được bà con cuộn lại thành cây một cách tỷ mỹ và công phu, ủ 3 đến 4 ngày cho lá thuốc “chín” để sau khi cắt phơi, thuốc có màu vàng tươi và thơm. Trước đây, cắt thuốc bằng thủ công. Nay cắt bằng máy, nhanh gấp trăm lần. Hơn thế, cắt bằng máy, sợi thuốc vừa đều lại vừa đẹp.
Thời điểm cắt thuốc lào phải chọn những ngày trời nắng vào Tiết Lập Hạ. Trời càng nắng to, thuốc càng đẹp và thơm. Thuốc vừa cắt xong được trải đều trên những tấm phên bằng tre hình chữ nhật mà người quê tôi gọi là sếp. Mỗi sếp như thế phải phơi năm đến sáu nắng kết hợp phơi dưới sương đêm tạo độ nồng cho sợi thuốc. Nhờ đó, các sợi thuốc kết dính với nhau và có hương thơm đặc biệt. Thuốc lào thành phẩm được cắt thành bánh, đóng gói, bảo quản trong bao kín.
Ngẫm cũng đáng buồn, từ năm 2014 trở lại đây, thuốc lào xuống giá, không rõ lí do, kéo theo hệ lụy thu nhập thấp, đời sống một số bộ phận Nhân dân không ổn định. Chính quyền địa phương đã vào cuộc chỉ đạo bà con nhân dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng với Nhân dân Quỳnh Dị, hình ảnh cây thuốc lào dường như đã hằn sâu vào kí ức và trở thành niềm tự hào của họ.
Cây thuốc lào đã theo họ từ thời khai sinh lập địa. Là nguồn thu nhập chính của một bộ phận Nhân dân, nhưng sâu xa hơn nữa nó là kỷ niệm, biểu tượng của người Quỳnh Dị chịu thương chịu khó. Thiết nghĩ giờ đây bỏ cây thuốc lào để trồng loại cây khác có lẽ là một sự dằn vặt đấu tranh đầy cam go với người dân quê tôi. Bởi bao thế hệ lớn lên đều gắn bó với cây thuốc lào.
Về Quỳnh Dị, hễ vào nhà ai đều thấy một số bao bì được đóng cẩn thận kê cao lên kệ, thậm chí có người còn buộc bì treo trần nhà chống ẩm mốc. Đặc biệt hơn nữa, khi khách ra về sẽ được biếu vài bịch thuốc lào và căn dặn “Thuốc lào Quỳnh Dị chính gốc đó, thơm ngon đặc biệt”.
Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều đổi thay, trong đó những nét cổ xưa dường như bị mờ dần và cây thuốc lào, thứ cây mà người dân quê tôi gọi là “Cỏ thương nhớ” e rằng không còn chỗ đứng mà chỉ còn là kí ức là kỉ niệm.