Quỳnh Dị: Triển khai phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ sáu - 13/09/2019 15:59
Ngày 13/9/2019, UBND phường Quỳnh Dị tổ chức Hội nghị triển khai phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn phường. Ông Văn Huy Thắng, Chủ tịch UBND phường chủ trì Hội nghị, tham dự có các đồng chí trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh phường và các đồng chí Bí thư, khối trưởng 08 khối.
70008021 514905995734762 6451162735404122112 n

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe ông Văn Huy Thắng, chủ trì Hội nghị triển khai các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bà Nguyễn Hà Phương – Trưởng trạm Y tế phường  báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn phường trong thời gian qua. Báo cáo nêu rõ, tính từ đầu năm đến tháng  9/2019, trên địa bàn phường không có ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện và không có ca nào mắc bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, cần phải tăng cường hơn nữa các biệc pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã có 01 ca mắc dịch sốt xuất huyết ở tại phường Quỳnh Phương, giáp ranh phường Quỳnh Dị.

70537842 766409120465166 5137288022869409792 n
Bà Nguyễn Hà Phương, Trưởng trạm Y tế phường báo cáo về tình hình dịch bệnh

69968560 495048481057033 3546286451140329472 n
Các đại biểu thảo luận về biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
 
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tiến hành thảo luận về diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết đang diễn ra trên một số địa bàn và đưa ra các biện pháp phòng, chống và quyết không để dịch xuất hiện tại địa bàn phường Quỳnh Dị.

 Để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết xãy ra, Ông Văn Huy Thắng, Chủ tịch UBND, chủ trì Hội nghị kết luận: Giao cho Trưởng trạm Y tế xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt luăng quăng, bọ gậy... 02 đợt. Theo dự kiến đợt 1 diễn ra 03 ngày, từ  ngày 15 đến ngày 17/9/2019, đợt 02 vào tháng 10/2019, ngoài 02 đợt tập trung thì các đơn vị, khối, hộ gia đình cần tổng dọn vệ sinh môi trường hàng ngày phòng, chống dịch.

Những hoạt động triển khai trong chiến dịch như: Tuyên truyền nhiều lần trên hệ thống Đài truyền thanh phường, khối, Phát tờ rơi tuyên truyền những kiến thức phòng bệnh sốt xuất huyết, đến từng hộ gia đình, tổng dọn vệ sinh môi trường, vận động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt luăng quăng, phòng ngừa muỗi đốt, kiểm tra tất cả các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà.

 
Một số điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết
 
Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh sốt xuất huyết: 

Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. 

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:
* Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
* Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Biểu hiện của bệnh:
Thể bệnh nhẹ: 
- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
- Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Thể bệnh nặng:
     Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết:
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Thay nước bình hoa.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch./.
Tác giả: Võ Nga

Nguồn tin: quynhdi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây